
Trong số đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt tỷ 1,1 USD, giảm 1,3%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,82 tỷ USD, tăng 4,1% so với 2021. Như vậy, giá trị xuất siêu lâm sản ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, năm 2022, thị trường có nhiều biến động do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine và đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhờ chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tích cực, chủ động vượt khó của doanh nghiệp, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là các thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch ước đạt 15,48 tỷ USD, chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Không chỉ vượt chỉ tiêu về xuất khẩu, các chỉ tiêu khác của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Nổi bật là: diện tích rừng trồng đạt 259.615 ha, vượt 6,4% so với kế hoạch đề ra, tăng 5,9% so với năm 2021; sản lượng gỗ khai thác năm 2022 gần 19,7 triệu m3, vượt 6,47% kế hoạch, tăng 7,2% năm 2021; thu dịch vụ môi trường rừng đạt gần 3.687 tỷ đồng, đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022, tăng 20,6% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%.
Năm 2022, ngành lâm nghiệp cũng chủ động nắm bắt, khoanh vùng các điểm nóng, địa bàn, tụ điểm trọng điểm về chặt phá rừng, cất giữ, chung chuyển lâm sản. Kịp thời tổ chức các đoàn kiểm tra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Qua đó, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 3.624 vụ phá rừng. Diện tích rừng bị tác động là 1.081 ha, giảm 1% so với năm 2021. Cả nước đã xảy ra 85 vụ cháy rừng, giảm 111 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021; diện tích thiệt hại do cháy là 41,35 ha, giảm 1.470 ha, tương ứng giảm 97,3% với năm 2021.
Tuy nhiên, năm 2022 vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên. “Đây là địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời”, ông Bùi Chính Nghĩa chia sẻ.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp hạ tầng cơ sở yếu kém, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy.
Thực trạng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc, thôi việc xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khu vực khó tuyển dụng lao động mới. Các chính sách liên quan đến đầu tư lâm nghiệp không hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Thống kê cho thấy, thu nhập trên mỗi ha rừng trồng là rất thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập của người trồng rừng thấp, chỉ chiếm 25% tổng thu nhập.

Nguồn: baotintuc.vn