Chú thích ảnh
Trung tâm thương mại vừa là nơi mua sắm vừa là nơi vui chơi của nhiều gia đình vào các ngày cuối tuần.

Nơi mua sắm cũng là nơi vui chơi

Hiện các mô hình thương mại hiện đại tại TP Hồ Chí Minh như Trung tâm thương mại SC VivoCity, GigaMall, AeonMall, Crescent Mall, Vincom… đã đáp ứng được những yêu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân và du khách. Khi đến đây, khách có thể mua sắm những món hàng từ xa xỉ cho đến các mặt hàng thiết yếu hàng ngày; đồng thời cũng là điểm đến lý tưởng để gặp gỡ bạn bè, giao lưu, vui chơi giải trí… sau những ngày học tập, làm việc mệt mỏi.

Chị Nguyễn Thị Hải (ngụ ở thành phố Thủ Đức) cho biết, những ngày cuối tuần, gia đình chị thường chọn các siêu thị hay trung tâm thương mại để vừa đi mua sắm, vừa cho các con đến đây vui chơi. “Ở các trung tâm thương mại hiện nay có rất nhiều khu vực vui chơi, giải trí dành cho người lớn, trẻ con… Ngoài ra, ở các trung tâm thương mại, sau khi vui chơi mình còn có thể mua sắm, đi siêu thị, nhà sách và thậm chí ăn uống luôn tại đây mà không phải về nhà nấu nướng”, chị Hải cho biết.

Trước nhu cầu mua sắm tăng cao, nhu cầu vui chơi, giải trí phát triển nên hệ thống trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh cũng ngày càng phát triển. Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, đến nay, toàn thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện lợi)… So với thời điểm cuối năm 2015, mạng lưới phân phối hàng hóa của thành phố tăng thêm 6 trung tâm thương mại, 56 siêu thị, gần 2.200 cửa hàng tiện lợi.

Chú thích ảnh
Nhiều nhà đầu tư còn hướng đến xây dựng các trung tâm thương mại gần Khu công nghiệp, Khu chế xuất để thu hút công nhân, người lao động.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sỡ dĩ các trung tâm thương mại thu hút nhiều người dân và du khách là do các trung tâm này đã xác lập các đặc điểm riêng trong vận hành trung tâm thương mại để tạo sự khác biệt với các trung tâm thương mại khác. Theo đó, một số trung tâm thương mại chọn sự sang trọng về kiến trúc và nội thất. Nhiều nhà phát triển trung tâm thương mại cũng đang thực sự lột xác về chất lượng phục vụ. Bởi các nhà đầu tư cũng đã xác định nếu chỉ cạnh tranh bằng lợi thế vị trí nhưng lại cào bằng về dịch vụ, thì các trung tâm thương mại sẽ không giữ chân được khách lâu dài.

Cải thiện chất lượng, dịch vụ để hút khách

Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đang định hình lại sân chơi mới, trong đó nổi bật xu hướng khai thác sự đặc thù của từng phân khúc thị trường, tinh giản hệ thống, tăng tính trải nghiệm đối với khách hàng… Vì vậy, các nhà bán lẻ đã tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ để gia tăng lợi ích nhằm giữ chân khách hàng của mình lâu hơn trong bối cảnh ngành thương mại, dịch vụ có sự cạnh tranh cao.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, với quyết tâm không để các loại hình mua sắm trực tuyến ứng dụng công nghệ số có thể lấn át, các trung tâm mua sắm, thương mại đang phấn đấu trở thành các trung tâm giao dịch đa chiều, đa phương tiện, kết hợp giữa thương mại truyền thống và ứng dụng kỹ thuật số, đáp ứng mọi kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như người bán hàng. Ngoài việc tiếp tục mở rộng, phát triển, nâng chất các thú vui đi ngắm cửa hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện việc mua bán trên trang web của cửa hàng, nhận hay trả hàng tại nhà hoặc ở các điểm giao dịch. Trong khi đó, bên bán hàng cũng tiết kiệm được chi phí nhờ thương mại điện tử và giữ chân khách hàng của họ bằng các gói khuyến mại đầy hấp dẫn, tăng cường tính tiện ích của trang bán hàng trực tuyến bằng việc liên kết với các đối tác khác.

Chú thích ảnh
Các nhà đầu tư trung tâm thương mại đã tích hợp các trải nghiệm từ mua sắm, vui chơi đến ăn uống, giải trí cho khách hàng.

Nguồn: baotintuc.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.