Chú thích ảnh
Đơn vị tư vấn trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Thủ Thiêm 4. Ảnh: Tiến Lực/ TTXVN

Nội dung trên được các chuyên gia phân tích tại Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn”, do Báo Nhân dân tổ chức chiều 18/8 tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, những năm qua, để mở rộng không gian phát triển đô thị, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm; trong đó có các công trình vượt sông Sài Gòn như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, hầm vượt Sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1 (cầu Ba Son). Hiện cầu Thủ Thiêm 4 đang trong quá trình lập dự án nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của thành phố. Điều này mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khai thác tối đa lợi thế của dòng sông Sài Gòn.

Hiện nay, cảng Sài Gòn đang được chuyển đổi công năng; trong đó có nghiên cứu chuyển thành cảng du lịch quốc tế. Các chuyên gia phân tích, thiết kế tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, nhất là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn. Tĩnh không cầu cao hay phương án cầu xoay, cầu mở sẽ giúp khu vực đón được tàu biển, có thể quy hoạch thành cảng du lịch quốc tế. Ngược lại, tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng phát triển kinh tế.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng, với chiều dài toàn tuyến hơn 2,1 km. Điểm đầu dự án tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 2 (Quận 7) và điểm cuối là đường Nguyễn Cơ Thạch (thành phố Thủ Đức). Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của đơn vị tư vấn cho thấy, hiện đang có 5 phương án thiết kế; trong đó 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10m; một phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15m và một phương án chiều cao tĩnh không lên tới 45m.

Nhiều chuyên gia lo ngại, với phương án tĩnh không thông thuyền thấp, cảng Sài Gòn sẽ trở thành “ốc đảo”, không còn tàu ra vào, đánh mất lợi thế của một cảng đang tiếp nhận tàu biển chở khách du lịch, cản trở mục tiêu chuyển đổi công năng, làm mất đi hình ảnh “trên bến dưới thuyền” của một thương cảng đã có thương hiệu từ xưa.

Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, khu vực cảng Sài Gòn phải là mảnh đất hoạt động thương mại dịch vụ, kinh tế đêm. Lãnh đạo thành phố phải xác định vùng đất này tương lai sẽ làm gì, trước khi xây cầu Thủ Thiêm 4. TP Hồ Chí Minh phải quy hoạch để biến nơi đây thành khu vực phát triển kinh tế đêm ven sông.

Nguồn: baotintuc.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.