Mặc dù, những con số tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, những tháng còn lại các cấp, các ngành cần bám sát tình hình, làm tốt công tác dự báo, chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện…

Tiếp nối đà phát triển

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh (minh họa): Trần Việt/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tiếp nối đà phát triển của quý I và tháng 4, tình hình kinh tế tháng 5 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 516 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỉ USD.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 147.800 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 7,71 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, cả nước có 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động…

Điều đáng nói là, sản xuất công nghiệp, “xương sống” của nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5.2022 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%.

Cùng với sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cũng lạc quan, chăn nuôi phát triển ổn định, tổng số lợn đến thời điểm cuối tháng 5.2022 ước tính tăng 5,7%; gia cầm tăng 1,9%; tổng số bò tăng 1,6% so với cùng thời điểm năm 2021…

PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính đánh giá, trong 5 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn của các dự án đầu tư nước ngoài tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 16,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%, đều là các con số khả quan.

Đặc biệt, nhờ chính sách mở cửa, vận tải hành khách tháng 5.2022 khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 45,7%. Vận tải hàng hóa tiếp tục phát triển tích cực với tốc độ tăng 22,8% về vận chuyển và tăng 22,4% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.300 lượt người, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao, tác động từ tình hình xung đột Ukraine, chính sách của các quốc gia sau dịch COVID-19. Cùng với đó là sức ép lạm phát tăng mạnh; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro; nợ xấu có xu hướng tăng.

“Kinh tế trong nước phục hồi tích cực nhưng chưa đạt kỳ vọng đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, cần độ trễ để phục hồi, trong khi một số chính sách hỗ trợ chậm được triển khai…”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tế; đồng thời, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia, các vấn đề liên quan tới vật liệu xây dựng, đất rừng, đất lúa… mà nhiều địa phương kiến nghị.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa giải quyết các nút thắt, bức xúc của nhân dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.

“Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là chương trình lớn, chưa có tiền lệ nên không tránh khỏi vướng mắc, nhưng các địa phương cần phải nắm chắc tình hình và xử lý kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã có công văn hướng dẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt các chủ trương đầu tư này trong thời gian sớm nhất để Bộ KH&ĐT tổng hợp.

Nguồn: baotintuc.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.