Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tình hình nuôi tôm nước lợ của tỉnh từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi được kiểm soát, mức thiệt hại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn diện tích thả nuôi tôm đều đạt năng suất theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, giá cước vận chuyển và giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu có thời điểm giảm mạnh ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất, thu nhập của nông dân.

Việc quản lý chất lượng, giá cả vật tư đầu vào còn nhiều hạn chế; giống tôm nước lợ sản xuất tại chỗ cung cấp phục vụ người nuôi chưa đáp ứng yêu cầu; việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nuôi tôm nước lợ và việc áp dụng, chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC,… còn chậm.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, để giúp cho nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh phát triển bền vững, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa. Trong số đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất.

Tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm – lúa trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh phát triển mạnh sản xuất tôm – lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, nuôi sinh thái… theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi trồng, vùng nuôi tôm. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nuôi đặc trưng từng vùng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hướng dẫn nông dân kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến gắn với an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông, điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trọng điểm vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng như: gia cố hệ thống đê, nạo vét kênh mương, tăng khả năng chủ động lấy nước, tiêu thoát để nuôi trồng thủy sản, hệ thống cống vùng nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, số cơ sở thuộc diện đăng ký cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ của tỉnh là 34.658 cơ sở. Đến cuối tháng 8/2023, tỉnh cấp 27.562 giấy xác nhận mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ, đạt 79,55% kế hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao, việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu, tăng giá trị kinh tế ngành hàng tôm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm. Qua đó, giúp tỉnh đẩy nhanh số hóa vùng nuôi, nắm thông tin chính xác về diện tích, sản lượng dự kiến hàng năm để có những giải pháp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là sản phẩm thực phẩm đang là vấn đề nóng trên thế giới. Yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc; trong đó, có ngành hàng tôm xuất khẩu.

“Việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho con tôm Kiên Giang rộng đường xuất khẩu sang các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị ngành tôm, nâng cao thu nhập, lợi nhuận cho người dân, phát bền vững nghề nuôi tôm của tỉnh”, ông Quảng Trọng Thao nhấn mạnh.

Nguồn: baotintuc.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.