Thống kê của WSJ cho thấy, trong số các nhà đầu tư đặt cược vào tiền số những năm qua có không ít quỹ hưu trí – quản lý các khoản tiết kiệm khi về hưu của công nhân. Một quỹ hưu trí trị giá 5 tỷ USD phục vụ các nhân viên cứu hỏa ở Houston (Mỹ) cho biết tháng 10 năm ngoái, họ đã đầu tư 25 triệu USD vào Bitcoin và Ether. Công ty quản lý đầu tư VanEck cũng nhận được nhiều câu hỏi về việc đầu tư tiền số từ hơn một chục quỹ hưu trí trên khắp nước Mỹ trong vài năm qua.
Trong 2 thập kỷ qua, các quỹ hưu trí ngày càng mạo hiểm đầu tư vào tài sản phi truyền thống để đối phó với lãi suất thấp. Họ không thể chỉ dựa vào lợi tức trái phiếu để đạt mục tiêu lợi nhuận 7% mỗi năm và trả hàng nghìn tỷ USD cho người tham gia góp quỹ như đã hứa. Vì thế, các nhà quản lý quỹ hưu trí đã đầu tư vào cổ phiếu, bất động sản và thậm chí là đất trồng rừng.
Vài năm qua, khi tiền số và cổ phiếu bùng nổ trong quá trình phục hồi kinh tế, một số nhà quản lý và cố vấn quỹ hưu trí đã nhìn thấy cơ hội sinh lời. Tại hai hội nghị vào năm ngoái, Hiệp hội Hệ thống Hưu trí Công chức Texas (Texpers) đã tổ chức một loạt hội thảo về tiền số. Trong đó có vấn đề liệu hệ thống hưu trí đã sẵn sàng tham gia kênh đầu tư này hay chưa.
Giám đốc Texpers Art Alfaro gọi tiền số là một loại tài sản không nên bỏ qua. “Một ngày nào đó, việc chúng tôi đưa chúng vào các diễn đàn có thể sẽ được coi như các buổi đào tạo trên internet vào giữa thập niên 90, hoặc ra mắt iPhone lần đầu năm 2007, hay biểu diễn về dòng điện vào đầu những năm 1900”, ông ví von.
Gil Luria – chiến lược gia tại công ty cố vấn đầu tư D.A. Davidson đã nghiên cứu tiền số trong nhiều năm qua. Ông cho rằng theo đuổi lợi suất là “môn thể thao” của các quỹ hưu trí và tài sản số nói chung đã có lợi nhuận ngoạn mục trong 12 năm qua. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi các quỹ này tham gia đầu tư vào kênh tài chính mới.
Tuy nhiên, “mùa đông tiền số” đang khiến nhiều quỹ hưu trí phải chịu thiệt hại. Giá Bitcoin và các loại tiền số khác đã giảm liên tục so với mức đỉnh tháng 11/2021 do nhà đầu tư quay lưng với tài sản nhiều rủi ro. Nhiều cá nhân đã mất trắng tiền tiết kiệm, các công ty tiền số lớn liên tục sa thải nhân viên và khoảng 2.000 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi lĩnh vực này.
Một quỹ hưu trí ở Quebec (Canada) – phục vụ hơn 6 triệu công nhân và người về hưu, đã đầu tư 150 triệu USD vào công ty cho vay tiền số Celsius Network mùa thu năm ngoái. Tháng trước, Celsius Network nộp đơn xin phá sản. Quỹ hưu trí trị giá khoảng 330 tỷ USD này coi khoản đầu tư trên như “một cách làm quen với làn sóng tài chính mới đầy tiềm năng mà ít rủi ro về vốn”.
Dù nhiều cá nhân và tổ chức đang chịu thiệt hại, quỹ hưu trí phục vụ hơn 7.000 lính cứu hỏa tại Houston (Mỹ) vẫn quan tâm đến tiền số. Quỹ này coi việc nắm giữ tiền số như một khoản đầu tư dài hạn và dự định giữ chúng trong 3-5 năm. Trước mắt, họ không thực hiện thêm bất kỳ khoản đầu tư nào.
Một số quỹ thì lại coi thị trường xuống dốc là thời điểm mua vào hấp dẫn. Hồi tháng 5, hai quỹ thuộc hệ thống hưu trí Virginia (Mỹ) đã cam kết cho các công ty tài chính liên quan đến tiền số vay 70 triệu USD trong vòng 3 năm.
Katherine Molnar – giám đốc đầu tư của Hệ thống Hưu trí Cảnh sát Quận Fairfax (Virginia, Mỹ) cho biết: “Hiện tại, lợi suất đầu tư sẽ hấp dẫn hơn do một số người ngại xuống tiền trong ‘mùa đông tiền số'”.
Tổng cộng, quỹ này và quỹ Hệ thống Hưu trí của Nhân viên Quận Fairfax đang quản lý tổng cộng 6,6 tỷ USD và phục vụ 30.000 người. Họ sở hữu lần lượt 4,5% và 2,5% tài sản liên quan đến tiền số. Hai quỹ đã đầu tư vào lĩnh vực này từ năm 2018 và ghi nhận lợi nhuận tốt.
Tuy nhiên, không phải tất cả quỹ hưu trí đều bị hấp dẫn bởi tiền số. Một quỹ quản lý 300 tỷ USD dành cho giáo viên ở California (Mỹ) vẫn luôn né kênh đầu tư mới này. “Rủi ro khá cao. Chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn rất gắt gao khi đầu tư vào những cơ hội này”, phát ngôn viên quỹ nhấn mạnh.
Tiểu Gu (theo WSJ)
Nguồn : vnexpress.net